Yên Bái sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

 Sau 5 năm triển khai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; đã thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW, xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của rừng đối với đời sống và sản xuất của người dân trong tỉnh, sự ảnh hưởng của rừng tới tình hình an ninh, chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 107-CTr/TU ngày 26/3/2018 về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (viết tắt là Chương trình số 107-CTr/TU), phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phụ trách địa bàn các huyện, thị, thành phố để theo dõi, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 27/4/2018, cụ thể hóa chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với 06 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có 50 nhiệm vụ cụ thể chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ảnh Hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật được khắc phục; Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng đã được triển khai thực hiện quyết liệt với nhiều biện pháp, giải pháp hiệu quả; số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm nhiều so với cùng kỳ (năm 2017 Chi cục Kiểm lâm đã xử lý 219 vụ vi phạm, đến năm 2022 số vụ vi phạm hành chính bị xử lý còn 148 vụ giảm 71 vụ), số vụ cháy rừng và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra ngày càng giảm so với trước đây riêng năm 2022 không xảy ra vụ cháy rừng nào. Các hành vi vi phạm đều được xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật, có tính răn đe, giáo dục cao. Việc đóng cửa rừng tự nhiên đã góp phần thúc đẩy trồng rừng cũng như nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Ngành lâm nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị.

  Ảnh Lực lượng kiểm lâm huyện Văn Chấn cùng cộng đồng thôn/bản tuần tra BVR 

Cơ cấu cây trồng trong lâm nghiệp đã có chuyển biến theo hướng tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn cùng với việc đưa các giống cây trồng lâm nghiệp mới có nguồn gốc xuất xứ, cây bản địa, có chất lượng tốt đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng. Xã hội hoá nghề rừng được đẩy mạnh, đặc biệt trong đầu tư và thu hút nguồn lực đầu tư. Diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng được bảo vệ tốt, đặc biệt trong 05 năm qua tiếp tục duy trì 2 Khu bảo tồn Loài và sinh cảnh Mù Cang Chải; khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu góp phần bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát huy hiệu quả phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, đảm bảo an ninh nguồn nước; tỷ lệ che phủ rừng được giữ vừng 63% và chất lượng rừng ngày một nâng cao.

  Ảnh rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu 

Việc hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao, phát triển lâm nghiệp được phát huy hiệu quả. Hình thành các mô hình trồng rừng, các vườn ươm cây bản địa, giống mới góp phần quan trọng đáp ứng cơ bản nhu cầu cây giống đảm bảo chất lượng phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh (Hàng năm, đảm bảo gieo ươm bình quân trên 90 triệu cây giống các loại phục vụ cho trồng rừng, đối với những loài cây trồng lâm nghiệp chính khi xuất vườn đều được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng). Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp được quan tâm, triển khai đồng bộ, thống nhất với các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động lâm nghiệp đã được tăng cường và thực hiện đồng bộ, kịp thời phát hiện những vi phạm, khắc phục những tồn tại hạn chế; góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy, chính quyền các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

  Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân trồng rừng tại huyện Văn Chấn 

Việc thực hiện chính sách đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư cho ngành lâm nghiệp. Từ năm 2017 đến năm 2022, tỉnh Yên Bái đã thực hiện có hiệu quả chính sách đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư cho ngành lâm nghiệp. Tổng nguồn lực huy động, bố trí thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2017-2022 là 954.971,3 triệu đồng (bình quân 159.161,9 triệu đồng/năm). Trong đó, ngân sách nhà nước là 294.978,6 triệu đồng (bình quân 49.163,1 triệu đồng/năm); vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác là 659.992,8 triệu đồng (bình quân 109.998,8 triệu đồng/năm).

Bên cạnh đó việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại nguồn thu nhập bền vững cho chủ rừng, người dân làm nghề rừng và cộng đồng thôn/bản tham gia bảo vệ rừng, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ rừng. Giai đoạn 2017-2022 tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng toàn tỉnh là 700,73 tỷ. Trong đó, thu từ các cơ sở sản xuất điện 696,68 tỷ, cơ sở sản xuất nước sạch 3,79 tỷ, cơ sở sản xuất công nghiệp 0,26 tỷ. Thực hiện giải ngân chi trả dịch vụ môi trường cho chủ rừng là 614,98 tỷ đồng.

  Quỹ Bảo vệ vệ và phát triển rừng cùng với Kiểm lâm và Chủ rừng là tổ chức xác định diện tích rừng có cung ứng DVMTR 

Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền; các cơ quan nhà nước; các tố chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và toàn xã hội. Phát triến lâm nghiệp phải đồng bộ từ trồng rừng, cải tạo rừng, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững tài nguyên rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái,...; đảm bảo phù họp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.

Trong thời gian tới để tiếp tục triển khai tốt Chỉ thị số 13-CT/TW, cấp ủy các chính quyền, địa phương, cơ quan nhà nước cần thực tốt mục tiêu quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh nguồn nước, nâng cao chất lượng rừng trồng, chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn, lâm đặc sản, đáp ứng nhu cầu lâm sản tại chỗ và làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, phát triển rừng phòng hộ ven biển, hoàn thành việc chuyển đổi diện tích rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo đúng quy hoạch. Gắn phát triển lâm nghiệp bền vững với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng. Nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành lâm nghiệp./.

                                        Nguồn: Ban biên tập - Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái

Video
Thư viện ảnh
aa
QC giua
Gian hàng giá Sốc
10 thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Danh bạ điện thoại
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay: 990
Hôm qua: 475
Đang online: 23
Tổng lượt truy cập :1382509