Hội thảo “Đánh giá phát triển dịch vụ môi trường rừng tiềm năng tại tỉnh Yên Bái”

         Sáng ngày 19 tháng 11 năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Dự án GIZ-Bio phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu, khảo sátcác dịch vụ môi trường rừng tiềm năng tại tỉnh Yên Bái đến năm 2025. Dự hội thảo về phía địa phương tỉnh Yên Bái có lãnh đạo Sở NN&PTNT, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, Hạt kiểm lâm các huyện, các Ban quản lý rừng đặc dụng; lãnh đạo UBND huyện, thành phố, thị xã; các Công ty TNHH 1 thành viên lâm nghiệp; các doanh nghiệp có sử dụng Dịch vụ môi trường rừng. Về phía Trung ương và tỉnh bạn có lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Dự án GIZ-Bio, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hòa Bình, Đắc Nông và Vườn Quốc gia Cát Tiên.

         Sau 8 nămthực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tổng số tiền DVMTR đã thu được là 530,9 tỷ đồng từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nước sạch, đây là một nguồn lực đáng kể chi cho công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những năm qua; trên 56 ngàn hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ chính sách này, đã góp phần cải thiện sinh kế của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia làm nghề rừng, nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn miền núi, nhất là xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 63% năm 2019.

          Tính đến nay tỉnh Yên Bái mới triển khai 2/5 loại hình dịch vụ theo Điều 61 Luật Lâm nghiệp, đó là: (1) Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; (2) Điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội và thu tiền DVMTR của 3/6 đối tượng phải chi trả theo Điều 63 Luật Lâm nghiệp, đó là: (1) Cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền DVMTR để bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện; (2) Cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền DVMTR cho điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch; (3) Cơ sở sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền DVMTR cho điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp.
          Như vậy, còn 3/5 loại hình dịch vụ môi trường rừng theo Điều 61 Luật Lâm nghiệp chưa thực hiện, đó là: (1) Hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chê mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững và tăng trưởng xanh; (2) Bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; (3) Cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản. Còn 3/6 đối tượng phải chi trả theo Điều 63 Luật Lâm nghiệp chưa thực hiện, đó là: (1) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng; (2) Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; (3) Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải chi trả tiền dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng cho nuôi trồng thủy sản.

Hình ảnh tại Hội thảo

Tại Hội thảo các đại biểu trao đổi, thảo luận về  (1) Hiện trạng thực hiện chính sách DVMTR, những thuận lợi, khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; (2) Các dịch vụ môi trường rừng và đối tượng phải chi trả tiền dịch DVMTR bổ sung có tính khả thi trong giai đoạn 2021-2025; các công việc cần tiến hành để đưa các nguồn thu này vào nguồn thu của Quỹ BV&PTR sau năm 2021;(3) Phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo hướng cho thuê môi trường rừng; thuận lợi, khó khăn vướng mắc; các hoạt động cần tiến hành nhằm thúc đẩy dịch vụ này (4). Phát triển dịch vụ hấp thụ các- bon theo hướng bán tín chỉ các-bon ra nước ngoài; các hoạt động cần tiến hành nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mua tín chỉ các -bon; (5) các mô hình phát triển Du lịch sinh thái và cho thuê môi trường rừng (6) Để xuất kế hoạch hoạt động tiếp theo nhằm đưa các dịch vụ môi trường rừng bổ sung này vào kế hoạch thu tiền dịch vụ môi trường rừng của tỉnh trong thời gian tới.
 

Ảnh các đại biểu tham quan cơ sở nuôi các lồng trên Hồ Thác Bà

Kết luận Hội thảo, Đồng Chí Đinh Đăng Luận Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, đó là:
1. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, Ngành quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát, cập nhật các cơ sở sử dụng DVMTR mới đi vào hoạt động, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng hàng năm tổng hợp danh sách các cơ sở sử dụng DVMTR phải nộp tiền dịch vụ, trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ thực hiện. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc chi trả tiền DVMTR, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý ngay các biểu hiện tiêu cực tại cấp xã.
               2. Giao Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng ngay sau hội nghị này:
               - Rà soát các cơ sở sử dụng DVMTR, làm việc trực tiếp với từng đơn vị sản xuất công nghiệp có sử dụng nước cho sản xuất, cơ sở nuôi trồng thủy sản để tổng hợp danh sách các cơ sở phải chi trả tiền DVMTR báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, trình UBND tỉnh phê duyệt.
          - Làm đầu mối làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải, Công ty TNHH Huy Thanh để xác định việc chi trả tiền DVMTR trực tiếp giữa cơ sở nuôi cá nước lạnh với chủ rừng theo quy định tại khoản 6 Điều 57 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và Quyết định số 1566/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt danh sách các cơ sở sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản thuộc đối tượng phải chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
               3. Đối với các doanh nghiệp thủy điện chậm nộp, cố tình chây ỳ không nộp tiền DVMTR, giao Chi cục Kiểm lâm xử lý dứt điểm việc nợ đọng, phối hợp với Thanh tra Sở xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về chính sách chi trả DVMTR, báo cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 15/12/2020.
          4. Đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam xem xét hướng dẫn cụ thể nguồn thu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản không xác định được hoặc chưa xác định được đối tượng chi (nhất là đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản theo khoản 6 Điều 57 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP là chi trả trực tiếp) thu về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được phép đầu tư cho trồng rừng phòng hộ, đặc dụng hoặc hỗ trợ trồng rừng sản xuất.
          5. Đề nghị dự án GIZ xem xét hỗ trợ tỉnh Yên Bái xây dựng đề án thí điểm bán tín chỉ các-bon ra nước ngoài và thúc đẩy để tỉnh Yên Bái gia tăng nguồn thu tiền DVMTR từ việc bán tín chỉ các-bon.
Nguồn:BBT Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Yên Bái

 

Video
Thư viện ảnh
aa
QC giua
Gian hàng giá Sốc
10 thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Danh bạ điện thoại
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay: 564
Hôm qua: 559
Đang online: 24
Tổng lượt truy cập :1277832