Giải pháp bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển rừng bên vững trên địa bàn tỉnh Yên Bái

        Chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021 - "Chúng ta là một phần của giải pháp” - như một lời nhắc nhở đa dạng sinh học vẫn là giải pháp quan trọng, là một lựa chọn cho sự phát triển bền vững.

Yên Bái, là một tỉnh miền núi, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất lâm nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 688.767,3 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp là 469.857 ha, chiếm 68,2% diện tích tự nhiên. Diện tích đất có rừng toàn tỉnh đến hết 31/12/2020 là 463.342 ha; trong đó rừng tự nhiên 245.616 ha; rừng trồng 217.726 ha, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 63%.

  Hệ thực vật, động vật trên địa bàn khá phong phú, đã thống kê được 957 loài thực vật, thuộc 153 họ; 227 loài động vật thuộc 80 họ, 24 bộ; trong đó có 49 loài thú, 105 loài chim, 50 loài bò sát và 23 loài lưỡng cư. Ngoài ra trên địa bàn đã xác định được 327 loài côn trùng, thuộc 66 họ, 10 bộ và 83 loài thực vật nổi thuộc 7 ngành tảo.
            Những năm gần đây diện tích rừng cũng như độ che phủ trên toàn tỉnh Yên Bái tăng nhanh, đây là kết quả thiết thực của chính sách đóng của rừng, tăng cường bảo vệ, khoán quản lý bảo vệ cho cộng đồng thôn/ bản. Một trong những ưu điểm của việc khoán quản lý bảo vệ rừng là rừng được tăng cường bảo vệ trong cộng đồng, còn người dân có thêm nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo...
            Tuy nhiên vấn đề chung hiện tại xảy ra không chỉ riêng ở Yên Bái đó là rừng tự nhiên tăng về diện tích nhưng chất lượng rừng kém cả về kích cỡ, chiều cao cây, số lượng con giảm nhanh về số lượng loài và cá thể nhất là những loài có kích thước lớn, diện tích rừng nghèo ngày một tăng kéo theo sự suy thoái về Đa dạng sinh học (ĐDSH). Tình trạng người dân nhận khoán bảo vệ rừng nhưng không yêu quí rừng, họ vẫn sẵn sàng phá rừng để lấy đất canh tác, khai thác những cây gỗ lớn, gỗ quý đồng thời săn bắn, bắt bẫy các loài động vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao... Ngược lại với rừng tự nhiên, rừng trồng tăng nhanh về diện tích, chất lượng rừng ngày càng cao, sự chăm sóc, bảo vệ ngày càng được chú trọng hơn rừng tự nhiên do gắn liền với lợi ích của người dân, tuy nhiên tính ĐDSH không cao.      

            Suy giảm đa dạng sinh học của tỉnh biểu hiện sự suy thoái các hệ sinh thái, giảm số lượng các loài động, thực vật quí hiếm...Nguyên nhân chủ yếu là do tài nguyên sinh vật bị khai thác quá mức, mục đích sử dụng đất bị chuyển đổi, nhiều giống mới du nhập vào tỉnh không được kiểm soát, gia tăng dân số và ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nạn phá rừng làm nương rẫy, cháy rừng, khai thác lâm sản quá mức, săn bắt chim thú trái phép, đánh bắt thủy sản bằng biện pháp hủy diệt; việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật quá mức không theo qui định và cả việc áp dụng rộng rãi các giống loài mới có năng suất cao đã góp phần làm suy giảm ĐDSH tỉnh Yên Bái.
            Bên cạnh đó, những kết quả điều tra, phỏng vấn người dân sống trong vùng đêm của các khu bảo tồn cho thấy một số loài thực vật quý trước đây khá phổ biến, nhiều cây to nhưng hiện nay chỉ còn lại rất ít, đa số là cây gỗ nhỏ. Điển hình như Lát hoa, Vù hương, Sến mật, Táu mật Chò chỉ, Giổi Găng, Trai lý, Pơ mu, Thông tre.
            Mặt khác, Yên Bái nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, hàng năm phải gánh chịu nhiều hậu quả của thiên tai. Những đợt lũ lụt, sật lở đất, Lũ quét đã gây ra không ít thiệt hại về người và tài sản mà còn hơn thế là tàn phá các hệ sinh thái tự nhiên. Sự biến đổi khí hậu trên trái đất trong những năm gần đây với các đợt hạn hán kéo dài, nắng nóng bất thường, những trận mưa lớn, lũ quét... cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái môi trường và suy thoái đa dạng sinh học.   

Cũng như các tỉnh khác trong cả nước, ĐDSH đang đứng trước nguy cơ suy thoái, thể hiện qua các cấp độ: Giảm chất lượng và chức năng của Hệ sinh thái, nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, suy giảm quần thể. Mặt khác đa dạng gen của quần thể các loại trọng tâm cũng đang bị suy thoái do mất nơi sống và chia cắt manh mún sinh cảnh, giảm hành lang ĐDSH, làm cô lập các quần thể này.
Vì vậy, để đảm bảo phát triển bền vững, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài cần phải sớm đặt ra một số nội dung về bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình hành động, kế hoạch của tỉnh, trọng tâm tập trung vào các vấn đề sau: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học; (2) Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ĐDSH của tỉnh; (3) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH của cộng đồng địa phương, người dân sinh sống tại các khu vực lân cận hoặc ngay bên trong các khu bảo tồn; (4) Duy trì các khu bảo tồn đa dạng sinh học hiện có và đề xuất các khu bảo tồn đa dạng sinh học mới; thiết lập hệ thống hành lang ĐDSH; (5) Phát triển nông, lâm nghiệp phải gắn với chế biến, tiêu thụ và áp dụng công nghệ cao, giống tốt, nâng cao giá trị gia tăng cho nông, lâm sản; Hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân trồng rừng bằng những loài cây bản địa, gỗ lớn; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn; quản lý bảo vệ rừng kết hợp canh tác bền vững tài nguyên rừng; (6) Phát động phong trào để mỗi cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội chung tay hưởng ứng trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng phát động (theo Quyết định 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

          Hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học 22/5 hằng năm do liên hợp quốc lựa chọn, chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 là "Chúng ta là một phần của giải pháp" đối với tỉnh Yên Bái trong thời gian tới cần có kế hoạch hành động cụ thể:
Một là, Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn, Cụ thể là Luật Lâm nghiệp 2019; Luật đa dạng sinh học năm 2008; các động vật, thực vật quí hiếm thuộc sách đỏ Việt Nam, 2000; các Thông tư, Nghị định liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.
          Hai là, Các chương trình xây dựng tổ chức thường xuyên truyền thông, các khóa đào tạo, tập huấn diễn đàn về đa dạng sinh học và an toàn sinh học. Xây dựng chương trình tập huấn đến tận thôn bản về vai trò của ĐDSH đối với đời sống con người, qua đó, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn tài nguyên sinh vật hợp lý, hiệu quả, bảo tồn và khai thác hợp lý các loài có nguồn gen quý hiếm, có giá trị khoa học và kinh tế cao trên địa bàn tỉnh. Phát hành những ấn phẩm truyền thông , chuyên ngành đa dạng sinh học và an toàn sinh học dưới nhiều hình thức được phát miễn phí cho người dân như: Lịch treo tường, tranh cổ động mô tả, tuyên truyền các loài động vật quý hiếm cần bảo vệ tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, Luật ĐDSH...

Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu - Văn Yên

          Ba là, Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về ĐDSH và an toàn sinh học. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về đa dạng sinh học và an toàn sinh học thông qua các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước; Xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ĐDSH và an toàn sinh học. Nâng cao nhận thức cho cán bộ ở cấp huyện, xã và người dân về giá trị ĐDSH, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học và thu hút sự tham gia của người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai thác, vận chuyển và sử dụng tài nguyên sinh vật.
 Bốn là, Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp lâm sinh phù hợp để nâng cao chất lượng rừng tự nhiên đặc biệt là các giải pháp phục hồi rừng tự nhiên trên đất nương rẫy không sử dụng, ở rừng đã khai thác cạn kiệt nhằm phục hồi cảnh quan, nâng cao khả năng phòng hộ và cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ, coi trọng việc đầu tư cho bảo vệ, khoanh nuôi và súc tiến tái sinh tự nhiên.
 
 Nguồn: Tiến Thành - Thanh Thủy - Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Yên Bái

 

Video
Thư viện ảnh
aa
QC giua
Gian hàng giá Sốc
10 thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Danh bạ điện thoại
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay: 605
Hôm qua: 559
Đang online: 22
Tổng lượt truy cập :1277873