Chi trả dịch vụ môi trường rừng - nguồn lực cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững

                Yên Bái, là một tỉnh miền núi, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất lâm nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 688.767,3 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp là 469.857 ha, chiếm 68,2% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) 325.977,4 ha. Qua 10 năm triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh, tổng số tiền thu về quỹ trên 765,97 tỷ đồng,  bước đầu đã tạo nguồn lực quan trọng, từng bước góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR). 


Rừng Tràm trên Hồ Thác Bà
  

          Ngoài các giá trị cung ứng về lâm sản, tạo ra sinh kế cho người dân miền núi, rừng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất, điều hòa khí hậu, tạo ra cảnh quan môi trường sinh thái, hấp thụ khí CO2 và tạo ra giá trị dịch vụ hệ sinh thái bền vững... Do đó, người sử dụng DVMTR và các nhà máy, cơ sở sản xuất hưởng lợi trực tiếp, gián tiếp các giá trị tạo ra từ rừng và các dự án gây mất rừng phải có trách nhiệm chi trả và bù đắp cho các chủ rừng, những người đã đầu tư tiền của, công sức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để tái tạo các giá trị đó.

Thủy điện Thác Bà 

          Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cá nhân hưởng lợi từ DVMTR như: thủy điện, nước sạch, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trong quá trình sản xuất hoặc các nhà máy phát thải khí CO2,... phải chi trả DVMTR. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta đã triển khai 4 loại hình dịch vụ với mức chi trả theo quy định là: thủy điện 36 đồng/KWh; nước sạch 52 đồng/m3, nước công nghiệp 50 đồng/m3 nước sạch và nuôi trồng thủy sản tối thiểu là 1% doanh thu. Nguồn thu này được cơ cấu trong giá thành sản xuất, nộp ủy thác vào Quỹ tỉnh và chi trả trực tiếp giữa doang nghiệp và Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) để chi trả cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và tạo ra thu nhập ổn định đời sống người làm nghề rừng. Đối với các dự án gây mất rừng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, chủ dự án phải thực hiện trách nhiệm trồng bù rừng hoặc nộp tiền ủy thác trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, mức nộp 45.138.000đồng/ ha rừng.
Thực hiện Chính sách chi trả DVMTR, ngày 25/4/2012, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái (Quỹ tỉnh) được thành lập theo Quyết định số 419/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái. Trong giai đoạn 2012-2016, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng hoạt động kiêm nhiệm (do Lãnh đạo, công chức Chi cục Lâm nghiệp kiêm nhiệm). Thực hiện Đề án kiện toàn, sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy biên chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái được kiện toàn, chuyển hình thức hoạt động từ kiêm nhiệm sang chuyên trách theo Quyết định số 3109/QĐ-UBND ngày 23/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01 năm 2017. Bộ máy tổ chức quản lý của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, bao gồm: Hội đồng quản lý, ban kiểm soát và Ban điều hành quỹ, với nhiệm vụ: vận động, tiếp nhận và quản lý các nguồn tài chính ủy thác, tài trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước; tiếp nhận quản lý tiền trồng rừng thay thế.

Họp HĐQL Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái

            Ngay sau khi thành lập, cùng với việc ổn định về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, tìm hiểu về chính sách và cách thức vận hành quỹ, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực; Ban điều hành quỹ đã tiến hành rà soát, tham mưu cho Hội đồng quản lý quỹ trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt danh sách các đối tượng phải chi trả, mức chi trả, thời điểm chi trả tiền DVMTR trên địa bàn; tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị triển khai chính sách và ký các hợp đồng ủy thác với các bên sử dụng DVMTR. Từ năm 2012 đến nay, Ban điều hành quỹ đã tham mưu và trực tiếp đàm phán ký kết 50 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 60 cơ sởdoanh nghiệp có sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh, gồm: Sản xuất thủy điện là 26 hợp đồng 29 cơ sở với công suất 397,7 MW; Sản xuất nước kinh doanh nước sạch là 08 hợp đồng (08 cơ sở); Sản xuất Công nghiệp là 16 hợp đồng (23 cơ sở); ngoài ra có 1 cơ sở muôi trồng thủy sản ký hợp đồng trực tiếp với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải. Bên cạnh đó Quỹ tỉnh đã tham mưu thực hiện trồng rừng thay thế, từ 2014 đến nay Quỹ đã tiếp nhận 16.581,7 triệu đồng tiền trồng rừng thay thế từ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tương ứng với trên 367,3 ha rừng trồng thay thế

Nghiệm thu rừng trồng thay thế, ảnh Quỹ BV&PTR 

            Sau khi tiếp nhận nguồn thu, Quỹ tỉnh đã tham mưu thực hiện kịp thời công tác giải ngân thanh toán tiền DVMTR, tiền trồng rừng thay thế theo kế hoạch của tỉnh. Để thực hiện tốt công tác này, Quỹ tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng mạng lưới chi trả ở cơ sở, hướng dẫn thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và giám sát nhằm sớm phát hiện, xử lý những bất cập, thiếu sót trong thực hiện chính sách, nhất là việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng là tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã và đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng ở các thôn, bản. Năm 2021, Quỹ tỉnh đã chi trả tiền DVMTR năm 2020 kịp thời cho 11 chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp qua hệ thống tài khoản ngân hàng với số tiền là 69.532,1 triệu đồng, tương ứng với diện tích rừng là 114.569,28 ha; Hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua hệ thống tài khoản ngân hàng và hệ thống Bưu điện-Paypost với số tiền là 3.053,2 triệu đồng, tương ứng với diện tích rừng là 9.899,83 ha. Trong đó, chi trả qua hệ thống Bưu điện-Paypost đến từng hộ gia đình, cá nhân (với 6.607 hộ gia đình, cá nhân) và chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng (173 số tài khoản của từng hộ gia đình, cá nhân); 02 chủ rừng là Cộng đồng dân cư, thôn/bản qua tài khoản ngân hàng Agribank với số tiền là 27,5 triệu đồng, tương ứng với diện tích rừng là 79,95 ha; Chi trả cho diện tích rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý (97 xã, phường, thị trấn) qua hệ thống Kho bạc Nhà nước cấp huyện với số tiền là 29.504,7 triệu đồng, tương ứng với diện tích rừng là 79.115,84 ha, đã góp phần giúp các chủ rừng thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ rừng, tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân miền núi. Giải ngân tiền trồng rừng thay thế cho các Ban quản lý rừng phòng hộ từ năm 2015 đến nay trên 16,074 tỷ đồng, tương ứng với 351,74 ha rừng trồng phòng hộ đã được trồng mới, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.  
Thực tế sau 10 năm triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết, đó là: (1) Biên chế, số lượng người làm việc tại Quỹ tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (hiện nay mới có 14/15 biên biên chế được giao và 05 hợp đồng lao động), trong khi khối lượng công việc lớn, địa bàn rộng khắp toàn tỉnh, rất khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị; chưa có bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, cán bộ chưa có kinh nghiệm trong việc kiểm tra, giám sát. (2) Diện tích rừng trồng sản xuất của các hộ gia đình, cá nhân tại các huyện vùng thấp rất lớn, nhưng diện tích lại nhỏ lẻ, manh mún, biến động thường xuyên, nhiều diện tích rừng trồng ngoài quy hoạch lâm nghiệp người dân vẫn kê khai, đăng ký đề nghị nhận tiền DVMTR; việc theo dõi, cập nhật diễn biến rừng chưa chính xác, dẫn đến công tác xác minh, xác định diện tích đủ điều kiện chi trả DVMTR cho các hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn về thời gian, nhân lực; (3) Việc thực thi pháp luật về chính sách chi trả DVMTR chưa thực sự quyết liệt; công tác lập hồ sơ quản lý rừng, khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê, phương án sử dụng tiền DVMTR đối với cấp xã thực hiện chưa bám sát vào các hướng dẫn, quy định và thực tế tổ chức quản lý rừng của từng địa phương, hầu hết dựa vào cán bộ kiểm lâm làm giúp nên chất lượng không cao, nội dung sơ sài, công tác kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán của cơ quan chuyên môn cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu...

Xác định diện tích rừng có cung ứng DVMTR

          Để chính sách chi trả DVMTR triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực, hiệu quả, tập thể cán bộ, viên chức và người lao động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chủ động nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu, bám sát cơ sở, kịp thời hướng dẫn cấp xã, cấp thôn và các chủ rừng trong việc rà soát, xác định diện tích rừng có cung ứng DVMTR, sử dụng tiền DVMTR đảm bảo công khai, minh bạch, có sự đồng thuận của người dân. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở NN&PTNT và các cấp, các ngành liên quan, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tối đa nguồn lực tài chính bền vững phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp của tỉnh nhà.
Nguồn: Tiến Thành/Lê Thủy - Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái

 

Video
Thư viện ảnh
aa
QC giua
Gian hàng giá Sốc
10 thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Danh bạ điện thoại
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay: 671
Hôm qua: 906
Đang online: 22
Tổng lượt truy cập :1263090