Sáng ngày 23/8/2024, Chi bộ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý III năm 2024 với nội dung “Ôn lại lịch sử kỷ niệm 66 năm ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958-25/9/2024); tuyên truyền, thực hiện học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên”. Đồng chí Tô Xuân Quý, UVBCH Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Quỹ dự, chỉ đạo và trực tiếp truyền đạt nội dung sinh hoạt. 100% cán bộ đảng viên, viên chức và người lao động trong cơ quan tham dự buổi sinh hoạt.
Đồng chí Tô Xuân Quý, UVBCH Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Quỹ chủ trì buổi sinh hoạt Chuyên đề Quý III năm 2024
Tại buổi sinh hoạt đảng viên, viên chức, người lao động trong đơn vị đã cùng nhau ôn lại lịch sử kỷ niệm 66 năm ngày Bác Hồ thăm Yên Bái. Đây được coi là một kỷ niệm thiêng liêng, một tài sản tinh thần vô giá của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Sau 66 năm, những lời dạy của Bác Hồ cùng tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời và phong cách của Người luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái khắc ghi, học tập, làm theo, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương cũng như trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân. Qua đó, đã tạo động lực tinh thần quan trọng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Yên Bái sẽ cùng với cả nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng.
Về nội dung Tuyên truyền thực hiện học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đồng chí Tô Xuân Quý đã nêu rõ các điểm cốt lõi đó là:
Một là về tư tưởng chính trị cán bộ, đảng viên giữ vững lập trường tư tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào sự lãnh đạo, đường lối đổi mới của Đảng; gương mẫu trong việc thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bước đầu có chuyển biến rõ rệt trong nhận diện và tham gia đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tự soi, tự sửa.
Hai là về đạo đức, lối sống, thực hiện các bộ quy tắc, chuẩn mực đạo đức công vụ gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, qua đó, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có thái độ chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; có tác phong sâu sát thực tế, gần gũi giữa cấp trên với cấp dưới, với cơ sở; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí... Việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, văn hóa công sở... có nhiều chuyển biến tiến bộ.
Ba là về tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên luôn đặt mình trong tổ chức, tôn trọng nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách với tinh thần xây dựng, cầu thị, tự giác, mỗi người “phải nghiêm khắc với chính mình”. Tự phê bình và phê bình là xây dựng tổ chức, xây dựng con người, xây dựng đời sống tình cảm và quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, quan hệ xã hội lành mạnh, trong sáng, có lý, có tình. Khắc phục bệnh chuộng hình thức, tâng bốc nhau, không dám nói thẳng, nói thật để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đồng thời, cần phê phán những biểu hiện xuất phát từ những động cơ cá nhân, nhân danh phê bình để đả kích, lôi kéo, chia rẽ, làm rối nội bộ.
Bốn là về quan hệ với nhân dân, cán bộ, đảng viên đi sâu đi sát cơ sở, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hướng xử lý công việc linh hoạt phù hợp. Qua đó tiếp thu được ý kiến của người dân, giải quyết các thắc mắc, bức xúc, phức tạp, vừa kịp thời chấn chỉnh thái độ, phong cách giao tiếp, phục vụ người dân của cán bộ, đảng viên; góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của người đứng đầu đơn vị và trách nhiệm thực thi công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên.
Năm là về trách nhiệm trong công tác, cán bộ, đảng viên nêu gương về đổi mới tư duy, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ do tổ chức phân công, phản ánh, tuyên truyền về gương “người tốt, việc tốt”, của Sở của ngành, của đơn vị về tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, để lan tỏa ý nghĩa, giá trị cao đẹp trong việc học tập và làm theo Bác, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong Chi bộ, đồng thời cập nhật chuyển đổi số và ứng dụng hiệu quả “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” tới từng cán bộ đảng viên.
Sáu là về ý thức tổ chức, kỷ luật, cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết và các quy định của Đảng, chính sách, pháp luậtcủa Nhà nước. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật trong đơn vị. Tuân thủ sự phân công, điều động của tổ chức; gương mẫu thực hiện chế độ sinh hoạt đảng đóng nộp đảng phí đầy đủ, thực hiện các nội quy, quy chế của cơ quan và tham gia các hoạt động, phong trào tại nơi cư trú.
Bảy là về đoàn kết nội bộ, cán bộ, đảng viên luôn ý thức tích cực tham gia xây dựng đoàn kết trong Đảng, trong đơn vị; kiên quyết đấu tranh chống lại mưu đồ chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ Đảng với nhân dân của các thế lực thù địch. Mọi biểu hiện cục bộ, bản vị là trái với tinh thần yêu nước chân chính.
Đối với nội dung tuyên truyền, thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên yêu cầu đảng viên, viên chức, người lao động thực hiện nêu gương theo tư tưởng Hồ Chí Minh gồm các nội dung (1) Nêu gương có nội dung nổi bật về đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh về bốn đức để làm người, để trở thành người toàn diện, đó là cần, kiệm, liêm, chính. (2) Nêu gương không chỉ có nội dung đạo đức mà còn có nội dung chính trị, pháp lý, nói rộng ra còn là văn hoá mà học vấn là cơ sở, nền tảng. (3) Nêu gương phải được coi là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm, đồng thời phải có tính tự giác, tự nguyện, trở thành một nhu cầu văn hoá trong lẽ sống, lối sống và nếp sống hàng ngày của mỗi người, trước hết là của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan, công sở, của hội viên, đoàn viên trong các đoàn thể. (4) Cần nêu gương trên ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người, đối với việc. Tóng đó nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng đã xác định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gồm 9 nội dung (1) Nêu gương về tư tưởng chính trị; (2) Nêu gương về đạo đức, lối sống, tác phong; (3) Nêu gương về tự phê bình, phê bình; (4) Nêu gương về quan hệ với nhân dân; (5) Nêu gương về trách nhiệm trong công tác; (6) Nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật; (7) Nêu gương về đoàn kết nội bộ; (8) Nêu gương về thực hiện lối sống tiết kiệm; (9) Nêu gương về gương mẫu đi đầu. Mỗi cán bộ đảng viên nhận thức sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chi bộ nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Coi đây là việc làm thường xuyên, không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Đồng chí Tô Xuân Quý, UVBCH Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Quỹ trực tiếp triển khai nội dung của chuyên đề Quý III năm 2024
Cần nghiên cứu và thực hiện nghiêm các giải pháp nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên:
Một là, Đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng trong mỗi Chi bộ, nhằm nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và vai trò cầm quyền của Đảng.
Hai là, Trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên là cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ba là, Việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tiến hành thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi theo phương châm “chức vụ càng cao thì càng phải đề cao tính tiền phong, gương mẫu”. Khi nêu gương trở thành việc làm thường xuyên, tự giác và là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên thì nó có tác dụng rất lớn trong việc tăng cường, củng cố niềm tin đối với Đảng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Bốn là, Phát huy tính tự giác với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng.
Năm là, Là cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên đấu tranh chống lại các biểu hiện suy thoái, thiếu gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Tô Xuân Quý UVBCH Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Quỹ yêu cầu mỗi đảng viên, viên chức, người lao động nghiên cứu sâu hơn nữa nội dung sinh hoạt của chuyên đề Quý III để nâng cao hơn nữa việc thực hiện học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên nhất là đối với đảng viên là cán bộ lãnh đạo của đơn vị. Nâng cao ý thức của mỗi cán bộ đảng viên, phấn đấu đóng góp vì tập thể để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Nguồn: Ban biên tập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái