10 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Qua 10 năm triển khai, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã mang lại những hiệu quả rõ nét: công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực; cuộc sống của người làm nghề rừng được cải thiện đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao.

Rừng đầu nguồn được bảo vệ, nguồn sinh thủy cho các nhà máy thủy điện và các cơ sở sử dụng nước

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách đột phá, chuyển hướng từ chỗ dựa vào ngân sách nhà nước, sang huy động các nguồn vốn xã hội hóa cho việc quản lý và bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Thay vì phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chính sách này đã huy động được một nguồn vốn lớn từ toàn xã hội (tổ chức, doanh nghiệp, người dân) để đầu tư cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) gắn với giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân các khu vực có rừng. Với việc ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/10/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR, lần đầu tiên ở Việt Nam, giá trị môi trường của hệ sinh thái rừng được thể chế hóa, hình thành DVMTR đưa vào đời sống xã hội, tạo mối quan hệ kinh tế giữa bên cung ứng và bên sử dụng DVMTR, tạo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, hình thành nguồn lực tài chính xã hội hóa bền vững phục vụ bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR). Đến nay, chính sách chi trả DVMTR được thể chế hóa tại Luật Lâm nghiệp năm 2017; với mục tiêu hướng tới 3 trụ cột phát triển bền vững trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó khía cạnh kinh tế được thể hiện thông qua mục tiêu gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp cho nền kinh tế quốc dân; khía cạnh môi trường gắn với các kết quả bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững; khía cạnh xã hội thể hiện qua mục tiêu cải thiện sinh kế, gắn với xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư sống gắn bó với rừng. Trải qua hơn 10 năm đi vào cuộc sống, chi trả DVMTR đã trở thành một chính sách lớn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; được các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đồng tình ủng hộ, nhân dân hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ. 

Yên Bái, là một tỉnh miền núi, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất lâm nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 688.767,3 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp là 469.857 ha, nên tiềm năng rất lớn cho việc cung ứng các loại dịch vụ môi trường rừng. Nhằm đưa chính sách đến với người dân, ngày 25/4/2012, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái được thành lập theo Quyết định số 419/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái. Trong giai đoạn 2012-2016, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng hoạt động kiêm nhiệm (do Lãnh đạo, công chức Chi cục Lâm nghiệp kiêm nhiệm). Thực hiện Đề án kiện toàn, sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy biên chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái được kiện toàn, chuyển hình thức hoạt động từ kiêm nhiệm sang chuyên trách theo Quyết định số 3109/QĐ-UBND ngày 23/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01 năm 2017, với chức năng huy động và tiếp nhận các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn ủy thác của bên sử dụng DVMTR chuyển trực tiếp đến Quỹ và điều phối từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam; Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn từ các chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng thay thế khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời thực hiện chính sách chi trả DVMTR; chi tiền trồng rừng thay thế do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; hỗ trợ vốn cho các chương trình, dự án và các hoạt động phi dự án theo quy định; Đại diện cho bên cung ứng ký hợp đồng với bên sử dụng DVMTR phải trả tiền ủy thác về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh; Làm đầu mối giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng kinh phí quản lý, thanh toán tiền DVMTR cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng của các chủ rừng có khoán bảo vệ rừng...

Đảng viên, viên chức và người lao động Quỹ BVPTR Yên Bái

Tại Yên Bái, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã tạo ra bước đột phá, hiệu quả trong việc tạo nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng và phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững cũng như tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các chủ rừng là tổ chức. Các đơn vị chủ rừng đã chủ động về nguồn tài chính để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới. 

Theo Ông Tô Xuân Quý - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái " Trong 10 năm qua Chúng tôi được tỉnh giao nhiệm vụ thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của người sử dụng điện qua các nhà máy thủy điện và các cơ sở dùng nước. Vì thế, chúng tôi luôn đốc thúc các cơ sở dùng nước nộp tiền đúng kỳ hạn. Do vậy không một cơ sở nào nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Hàng năm, chúng tôi đều cập nhật và xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc chi đúng, chi đủ, chi kịp thời cho người dân bảo vệ rừng là một nguyên tắc để bà con có niềm tin để bảo vệ rừng ngày một tốt hơn. Đó là nguồn lực vô cùng to lớn để bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững". 

Đây là nguồn lực tài chính mới, bền vững, trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động trên 773,932 tỷ đồng phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng. Để nguồn thu hàng năm được tăng lên, Quỹ BV&PTR tỉnh Yên Bái thường xuyên bám sát kế hoạch, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ BV&PTR Việt Nam và cấp trên, vận dụng sáng tạo, linh hoạt nhiều hình thức khác nhau, thường xuyên đôn đốc các cơ sở, dự án nộp tiền kịp thời, đúng quy định, đến nay không có cơ sở nào còn chậm nộp tiền DVMTR. Hầu hết, kết quả huy động các nguồn thu tăng đều qua các năm và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể: năm 2012 là năm bắt đầu thực hiện thu với tổng số tiền là 20,165 tỷ đồng chi trả cho 153.568,1 ha rừng có cung ứng DVMTR thì đến hết năm 2021 thu 121,865 tỷ đồng chi trả cho 214.073,12 ha rừng có cung ứng DVMTR (Thu trên tổng số 84 cơ sở sử dụng DVMTR: Nội tỉnh 63 cơ sở, Ngoại tỉnh 21 cơ sở). 

Tổng diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR cũng tăng dần qua các năm: Từ năm 2012 diện tích chi trả chỉ đạt trên 153.568,1 ha, năm 2015 đạt 166.245,1 ha, đến năm 2021 diện tích chi trả trên Tổng diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 214.073,12 ha (tăng gần 1,4 lần). Diện tích có rừng theo kết quả rà soát tại các lưu vực thuỷ điện cũng tăng lên qua các năm nhờ đó độ che phủ rừng cũng được tăng lên hàng năm để chi trả cho tổng số 8.668 chủ rừng, trong đó:14 chủ rừng là tổ chức; 8.549 hộ gia đình, cá nhân; 02 cộng đồng dân cư thôn/bản và Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm quản lý rừng: 103 xã, thị trấn.

Tuyên truyền để người dân hiểu về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ đó có ý thức bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Yên Bái, trong những năm qua và những năm tiếp theo. Đa dạng đối tượng tuyên truyền, thay đổi cách thức tuyên truyền để công tác quản lý bảo vệ rừng có kết quả tốt hơn là mục tiêu mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã và đang hướng tới.

Những buổi tuyên truyền về lợi ích của Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia bảo vệ và phát triển rừng đã được tổ chức trực tiếp tại các địa điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, nhà văn hóa, nhà trưởng thôn, bản…Tính đến thời điểm hiện tại, qua thống kê từ khi triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 2012 tới nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tổ chức được hơn 114 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR cho 8.628 lượt người tham dự. Ngoài ra còn thực hiện tuyên truyền 132 bài viết, báo điện tử, 20 phóng sự truyền hình, truyền thanh; biên tập và phát hành trên 40.000 cuốn sổ tay tài liệu tuyên truyền song ngữ Việt- Mông, 179 biển báo, apphich, 130.000 tờ rơi, tờ gấp, 4.650 sản phẩm truyền thông. 

Từ năm 2018, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và các cấp ngành về việc chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã tham mưu UBND tỉnh Yên Bái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chủ rừng là tổ chức và UBND các xã, thị trấn có khoán bảo vệ rừng mở tài khoản ngân hàng cho các hộ gia đình, cộng đồng để tiếp nhận tiền DVMTR. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với các ngân hàng Vietinbank, Agribank, Viettel và chính quyền địa phương triển khai mở tài khoản ngân hàng tiếp nhận tiền DVMTR cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, khoán rừng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã mở tài khoản cho 5.000 hộ gia đình, cá nhân và 394 cộng đồng dân cư thôn; thực hiện chi trả tiền DVMTR 100% các chủ rừng là tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã qua tài khoản ngân hàng, Kho bạc nhà nước. 

 

Nhờ tiền DVMTR được chi trả kịp thời, đầy đủ nên đời sống của người dân khu vực miền núi Yên Bái có DVMTR được cải thiện đáng kể. Nhiều bản làng và các hộ dân đã sử dụng một phần tiền này để tu sửa cơ sở hạ tầng như bể nước sạch, nhà văn hóa, giao thông thôn, bản và tùy theo điều kiện từng hộ, từng địa phương, nhiều mô hình kinh tế cũng được hình thành. Bên cạnh phát triển kinh tế, bảo vệ rừng hiện có, người dân còn có thêm điều kiện để tái trồng rừng, sớm đưa các loại rừng lau lách, đồi trọc trước đây trở thành diện tích có rừng cung ứng DVMTR. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển rừng một cách bền vững.

Để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí DVMTR, hàng năm, Quỹ tỉnh tổ chức trung bình 2 đến 3 đợt kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất các chương trình, dự án được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí của Quỹ; Kiểm tra, giám sát công tác chi trả tiền DVMTR đến các đối tượng tham gia bảo vệ rừng của các chủ rừng là tổ chức, tổ chức chi trả cấp huyện. Ngoài ra, Quỹ BV&PTR cũng tổ chức kiểm tra, xác minh các nội dung, thông tin liên quan đến công tác bảo vệ rừng và việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được giải ngân từ Quỹ khi có thông tin phản ánh liên quan.

Sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã thực sự phát huy được vai trò quan trọng và địa chỉ tin cậy trong việc huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng. Thông qua thực tiễn triển khai, chính sách đã đề cao được vai trò, giá trị kinh tế của rừng trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, chất lượng rừng tự nhiên bị suy giảm và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ, đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng ngày càng hạn chế. Quá trình thực hiện chính sách đã phát huy được vai trò, sự tham gia, gắn kết của các bên liên quan như bên cung ứng, bên sử dụng DVMTR, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức trên địa bàn huyện, xã. Nhờ đó, mối quan hệ đối tác của Quỹ cũng được mở rộng để đáp ứng yêu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nguồn: Tiến Thành/Ngọc Sơn – Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái

Video
Thư viện ảnh
aa
QC giua
Gian hàng giá Sốc
10 thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Danh bạ điện thoại
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay: 593
Hôm qua: 701
Đang online: 24
Tổng lượt truy cập :1281835